www.hangmychinhhang.com

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Một thoáng Hàn Quốc 3: Tiếng Anh

Một thoáng Hàn Quốc 3: Tiếng Anh 
Tiếng Anh là một chìa khoá rất quan trọng trong khoa học. Thật ra, có thể nói không ngoa rằng tiếng Anh ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ khoa học. Hầu hết các hội nghị khoa học quốc tế, kể cả y khoa, đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Một thống kê mới công bố năm ngoái cho biết hơn 95% tập san khoa học quốc tế dùng tiếng Anh. Ngay cả ở những nước tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ vẫn dùng tiếng Anh như là một ngôn ngữ khoa học. Do đó, am hiểu tiếng Anh là một lợi thế rất đáng kể trong hoạt động khoa học.
Hình như người Hàn Quốc đã có một bước “tiến bộ” về tiếng Anh rất nhanh. Trước đây, khi đi dự hội nghị ở các nước Á châu, tôi thấy trình độ tiếng Anh của các nhóm ASEAN (dĩ nhiên là ngoại trừ VN) là tốt nhất, còn Hàn Quốc thì kém hơn, và Nhật là kém nhất. Còn trong các hội nghị quốc tế bên Mĩ (tôi chỉ nói trong lĩnh vực osteoporosis) các nhóm Hàn Quốc có sự hiện diện tương đối khiêm tốn, và họ cũng ít khi nào có những “oral presentation” (báo cáo nói). Có vài lần, ban tổ chức hội nghị ghi rõ rằng nếu tác giả cảm thấy không tự tin về tiếng Anh thì nên chọn báo cáo dưới hình thức poster, vì báo cáo nói mà người trình bày không am hiểu tiếng Anh chỉ làm mất thì giờ cho khán giả và cũng chẳng công bằng cho tác giả.
Nhưng năm nay thì khác, vì tôi thấy các diễn giả Hàn Quốc nói tiếng Anh rất khá. Nhưng nếu chú ý kĩ sẽ thấy có hai nhóm rõ ràng: nhóm trẻ tuổi (dưới 50) thì nói tiếng Anh lưu loát, còn nhóm cao tuổi thì trình độ tiếng Anh chỉ kha khá như Việt Nam ta thôi. Điều đáng chú ý là tất cả họ, trẻ hay già, đều nói tiếng Anh giọng Mĩ. Sau vài lần tìm hiểu tôi mới biết rằng hầu hết các nhà khoa học trẻ của Hàn Quốc đều học ở Mĩ hay làm postdoc ở Mĩ về. Người ở lâu thì 10-15 năm, ngắn thì cũng 5 năm. Tất cả họ đều đã có một số công bố quốc tế trước khi trở về Hàn Quốc để đứng đầu trong các lab nghiên cứu. Do đó, không ngạc nhiên khi họ tỏ ra rất khá về tiếng Anh. Dĩ nhiên, dù là 10 năm ở Mĩ, họ vẫn chưa đủ trình độ để viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh bằng tiếng Anh, nhưng họ thừa khả năng để nói chuyện một cách tự tin trong các diễn đàn khoa học.
Ngay cả thế hệ trẻ học ở Hàn Quốc cũng nói tiếng Anh giỏi. Tôi ấn tượng nhất một em trình bày về mối liên quan giữa tiểu đường và loãng xương, nếu chỉ nghe và không nhìn em thì ai cũng nghĩ em là người Mĩ, nhưng trong thực tế em ấy là người Hàn Quốc 100%. Vì quá ấn tượng, nên sau khi trình bày xong và trong giờ giải lao, tôi đến làm quen với em, thì mới biết em này mới là sinh viên y năm thứ 4 thôi. Tôi hỏi em học tiếng Anh ở đâu, thì em nói học từ thời trung học và do thầy cô người Mĩ dạy nên nói giọng Mĩ. Hỏi ai hướng dẫn em làm nghiên cứu thì em nói có một assistant professor ở Mĩ về hướng dẫn em làm. Nhưng không chỉ em này, sau này tôi còn gặp nhiều em khác cũng nói tiếng Anh rất thạo và trình bày rất chuyên nghiệp. Nhìn như thế sẽ thấy Hàn Quốc còn có nhiều tiềm năng khoa học trong tương lai.
Tuy nhiên, đó là môi trường khoa học và trí thức, chứ tôi thấy trong môi trường chợ búa thì tiếng Anh người Hàn Quốc có phần kém hơn người Việt Nam. Ở Việt Nam, bước lên xe taxi là chúng ta có thể tin rằng các tài xế (nhất là của Vinasun và Mai Linh) đều nói được vài câu thông thường liên quan đến nghề nghiệp. Ra chợ Bến Thành hay các chợ khu Quận I, chúng ta có thể thấy nhiều chủ quán và chủ sạp bán hàng nói tiếng Anh khá tốt. Nhưng ở Seoul, tôi lang thang trong vài khu chợ thì thấy các chủ tiệm tuy rất thân thiện nhưng họ chẳng biết tiếng Anh gì cả. Ngay cả ở nhà hàng khá up-market mà tiếp viên cũng chẳng biết tiếng Anh! Trong thời gian ở Seoul, tôi đi 4 chiếc taxi ở Seoul thì cả 4 tài xế đều chẳng biết tiếng Anh. Nhưng họ rất thành thật và rất sẵn sàng giúp đỡ khách. Có người dừng lại bên đường hỏi cho thật rõ địa chỉ rồi mới chở đi, chứ không có chuyện “chém” khách.
So sánh khả năng tiếng Anh giữa VN và Hàn Quốc tôi thấy có hai khác biệt. Trong giới khoa học thì có lẽ giới trẻ Hàn Quốc hơn giới trẻ khoa học VN. Nhưng trong giới bình dân thì VN có lẽ hơn hẳn Hàn Quốc về tiếng Anh. Điều này chắc cũng không khó hiểu, vì Hàn Quốc quyết tâm theo Mĩ. Đại đa số những giáo sư của họ hoặc là từng học ở Mĩ, hoặc là từng đi tu nghiệp postdoc ở Mĩ, cho nên tiếng Anh của họ rất tốt. Còn VN ta thì không thích chơi với Mĩ, và hay tự hào là số 1 trên thế giới, nên nhiều người VN chỉ là “legend in your own mind” (mượn câu nói của Clint Eastwood).
Nhìn người lại nghĩ đến ta. Tôi nghĩ để cho khoa học VN tốt hơn, một việc rất quan trọng là cải thiện trình độ tiếng Anh cho các nhà khoa học. Không chỉ nói được mà cần phải viết tốt. Nếu tiếng Anh không tốt thì khi ra nước ngoài các nhà khoa học cũng chỉ là những người bên lề vì không tham gia thảo luận một cách tự tin và chuyên nghiệp được. Ấy thế mà mới đây có người đặt câu hỏi là có nên ưu tiên học tiếng Anh trong nhà trường! Thật khó tưởng tượng có những người có thể đặt câu hỏi buồn cười như thế (không xứng đáng đặt ra), bởi vì câu trả lời là một chữ “Nên” rất lớn.
(Còn tiếp …)
Nguồn: GS Nguyễn Văn Tuấn
Read more »

Một thoáng Hàn Quốc 4: Chất lượng hơn số lượng

Một thoáng Hàn Quốc 4: Chất lượng hơn số lượng 
Thỉnh thoảng, người ta đánh giá sự thành công và hoành tráng qua số người tham gia hội nghị. Trong ngành y và đặc biệt ở Mĩ, có những hội nghị lên đến 40 ngàn người, còn nhỏ hơn thì cũng 5000 người. Nhưng tôi nghĩ những hội nghị này mang màu sắc thương mại hơn là khoa học. Trong những hội nghị lớn như thế, người tham dự rất mệt, vì phải chạy hết session này đến session khác, mà có khi phải cuốc bộ cả 10 phút mới đến nơi. Tôi thì thích những hội nghị nhỏ, nơi mà người tham dự có dịp và thì giờ trao đổi kĩ hơn.
Hội nghị APBMR lần này chỉ có khoảng 170 người tham dự (số ghi danh là khoảng 200), nhưng tôi thấy chất lượng người tham dự rất tốt. Họ là những người đến để học và chia sẻ kinh nghiệm, chứ không phải chỉ có mặt để lấy tờ giấy chứng nhận CME hay đi shopping. Một cách để biết chất lượng của khách tham dự là qua những câu hỏi của họ dành cho diễn giả. Thật vậy, tôi dự từ đầu đến cuối, chăm chú theo dõi những câu hỏi của khán giả, và có thể nói là họ thật sự quan tâm đến vấn đề. Quan trọng hơn, một số câu hỏi cho thấy người hỏi rất am hiểu vấn đề một cách chuyên sâu chứ không phải bề mặt. Chẳng hạn như sau bài báo cáo của nhóm VN nghiên cứu về gen trong loãng xương, có 3 người hỏi toàn những câu rất chi tiết (họ chú ý đến slide số mấy) và hỏi rất cặn kẽ. Tôi có ấn tượng tốt với những câu hỏi này vì nó cho thấy hội nghị có chất lượng cao.
Chất lượng còn phản ảnh qua những công trình nghiên cứu. Tôi có thể nói rằng tất cả những công trình nghiên cứu trình bày trong hội nghị này không hề kém bất cứ hội nghị nào tôi từng thấy ở Mĩ, Âu châu, hay Úc. Có một lĩnh vực nghiên cứu về trabecular bone mà tôi theo đuổi hơn 1 năm qua, nhưng khi đến đây đã thấy các đồng nghiệp ở đây làm cả nghiên cứu GWAS trên trabecular bone! Tôi hỏi họ bằng cách nào mà các bạn làm nhanh thế, họ nói chỉ cần chi vài chục ngàn USD mua thiết bị và thực hiện. Trường của họ có những quĩ nghiên cứu gọi là “khẩn cấp” (emergency) để cạnh tranh với các trường đại học Âu Mĩ. Và, cộng với đức tính cần cù và chịu khó làm việc của người châu Á, họ có thể làm nhanh và làm trước cả các nhóm nghiên cứu lớn ở Mĩ!
Một điều làm tôi ngạc nhiên là sự phát triển về nghiên cứu cơ bản của Hàn Quốc. Mấy năm trước đây tôi đã chú ý đến sự xuất hiện của các đoàn nghiên cứu từ Hàn Quốc trong Hội nghị ASBMR (hội nghị loãng xương ở Mĩ mỗi năm thu hút khoảng 5000 người tham dự), nhưng dạo đó họ chưa có những nghiên cứu trình làng. Khoảng 5 năm gần đây, tôi chú ý nhiều abstracts từ Hàn Quốc đã xuất hiện, và gần phân nửa là các công trình nghiên cứu cơ bản về sinh học phân tử, tế bào học, di truyền, v.v. Ngày nay, Hàn Quốc đã sản xuất máy DXA và bán ra thế giới. Phải nói đó là một bước phát triển ngoạn mục.
Nhìn lại các hội nghị khoa học ở Việt Nam (dĩ nhiên tôi chỉ nói trong ngành y) và so sánh với Hàn Quốc tôi chỉ biết ngậm ngùi. Có thể nói hầu hết hội nghị y khoa ở VN là những dịp họp hành tổng kết cuối năm. Nội dung chỉ chủ yếu xoay quanh những bài nói tổng quan (review), rất ít các bài nghiên cứu original. Có hội nghị hoàn toàn không có một bài nghiên cứu original nào, tất cả là những bài tổng quan của các “cây đa cây đề” và của công ti dược. Thử hỏi, một hội nghị mà không có original research thì làm sao gọi đó là “hội nghị khoa học” được? Bởi thế tôi rất quan tâm đến tình trạng này và cố gắng thay đổi trong các hội nghị loãng xương ở VN mà tôi có vai trò tổ chức.
Ngay cả những bài tổng quan thì thực chất cũng chỉ là nói chuyện của người ta. Ý tôi muốn nói là những bài review như thế toàn dùng dữ liệu của các tác giả khác bên Tây, chứ diễn giả chẳng có một dữ liệu gì của riêng mình. Thông thường, trong các hội nghị khoa học nghiêm chỉnh, người được mời nói tổng quan là chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực hẹp nào đó. “Có uy tín” hiểu theo nghĩa tác giả có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực mà tác giả trình bày. Dĩ nhiên, trong khi trình bày tác giả cũng trích dẫn nghiên cứu của người khác, nhưng dữ liệu của tác giả vẫn đóng vai trò chủ đạo cho cái theme của bài nói chuyện. Đó mới là tổng quan đúng nghĩa. Còn đằng này, trong các hội nghị ở VN, các diễn giả (thường là “vô ra cũng thằng cha khi nảy”) toàn dùng dữ liệu của người khác, và như thế vô hình trung biến họ thành cái loa của người khác. Có người diễn giả nói về thuốc nhưng cũng chỉ dùng dữ liệu của các nghiên cứu của các tác giả khác, nên hệ quả là họ trở thành người bán thuốc (salesman) mà họ không biết! Có khi tôi thấy họ dùng slides có logo của công ti thuốc (chắc là do công ti soạn cho họ?) Chẳng có gì là khoa học. Đó là một tình trạng rất đáng báo động.
Tuy nhiên, không phải ai cũng trở thành cái loa như vậy. Trong thực tế, cũng có người có tư cách dứt khoát không nhận lời nói chuyện thuốc cho các công ti dược. Trong hội nghị APBMR lần này cũng có hai người là khách mời của công ti thuốc bảo trợ cho hội nghị, nhưng có một diễn giả có tư cách rất khẳng khái. Ông tên là ES (cũng là chỗ quen biết của tôi). Ông dùng thời gian để nói về thuyết bone remodeling của ông, rồi đến phút cuối ông nói [dịch đại khái] “Tôi đến đây là do cái công ti kia nó tài trợ, và nó kêu tôi nói 2 slides về thuốc của nó, và đây là 2 slides đó. Tôi không bình luận dữ liệu này vì tôi không có tham gia vào nghiên cứu đó.” Nói xong ông đi đến phần kết luận. Ông này quả là có thay đổi thái độ. Khoảng 5 năm trước ông nói cho một công ti thuốc, sau khi nói xong, một vị trưởng thượng tên là CN (lúc đó đã 90 tuổi) đứng lên chỉ thẳng vào mặt ông và nói giữa hội trường gần 500 người rằng: “Đây là một quảng bá cho công ti thuốc”. Không ai dám nói gì với vị trưởng thượng này vì trong hội trường toàn là học trò của ông, nhưng quan trọng hơn là ông nói đúng. Lời nói của cụ CN quả là một bài học cho ES nên lần này ông tuyên bố thẳng và gây cảm tình cho khán giả.
Tôi nghĩ cần phải nâng cao nội dung khoa học trong các hội nghị y khoa ở VN để sánh vai với các nước tiên tiến. Nếu cứ chăm chăm vào số lượng người tham dự mà nội dung quá nghèo nàn (toàn những bài tổng quan) thì thà không tổ chức hội nghị còn hay hơn, hay tổ chức nhưng đừng nhân danh hai chữ “khoa học”. Như APBMR, chúng ta cần chất hơn là lượng.
Nguồn: Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
Read more »

Một thoáng Hàn Quốc 5: Áp lực công bố quốc tế

Một thoáng Hàn Quốc 5: Áp lực công bố quốc tế 
Trong hội nghị lần này tôi gặp một em nghiên cứu sinh người Việt tên là NTL. Em này từng học cao học ở đây, về VN tìm cơ hội nhưng hình như không thành công, rồi lại tìm học bổng của Hàn Quốc sang đây học tiếp chương trình tiến sĩ. Em theo đuổi một dự án nghiên cứu cơ bản về xương và ung thư. Nhóm của em L có khoảng 7 người đi dự hội nghị này, và người đứng đầu là một assistant professor từ Mĩ về. Thử tưởng tượng gặp đồng hương trong hội nghị như thế này thì “tay bắt mặt mừng” biết bao. Có lẽ em ấy thích thú là vì hội nghị có một khách mời họ Nguyễn, nên sau khi tôi giảng xong là em đến làm quen ngay.
Qui định phát-xít trong học thuật
Trò chuyện với L, tôi biết chút chút về qui trình đào tạo tiến sĩ và áp lực công bố quốc tế ở đây rất lớn. Cũng như bất cứ đại học phương Tây nào, thời gian để hoàn tất chương trình tiến sĩ là 4 năm. Trong vài trường hợp khác và tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời gian theo học tiến sĩ có thể là 5 năm. Không biết các ngành khác thì sao, nhưng đối với các nghiên cứu sinh ngành y sinh học nói chung thì họ học và làm cật lực. Chẳng những làm cật lực mà còn phải cạnh tranh với các lab trên thế giới. Em L cho biết thầy cũng như trò suốt ngày ngồi trong lab, có những tuần không bao giờ thấy ánh nắng mặt trời, vì giờ về thường là 10 đến 11 giờ đêm. Nhưng lab của em không phải là đặc thù, vì hầu hết tất cả các lab khác cũng thế. Làm cho xong việc (xong thí nghiệm) chứ không phải hết giờ.
Tất cả các nghiên cứu sinh ở đây phải có công bố quốc tế trước khi bảo vệ (hay nộp) luận án. Tuy nhiên, qui định cụ thể thì mỗi nơi mỗi khác. Có trường nổi tiếng như Postech (Pohang University of Science and Technology) thì nghe nói họ đòi hỏi nghiên cứu sinh phải có đủ 12 điểm trước khi bảo vệ luận án; mỗi điểm là 1 impact factor (IF) của tập san. Qui định này có nghĩa là nếu nghiên cứu sinh công bố 3 bài báo trên tập san có IF 3, 4, 5 (tổng cộng 12) thì mới được bảo vệ luận án. Lần đầu tiên tôi nghe đến qui định này và lấy làm ngạc nhiên lắm.
Nhưng có lẽ chính vì qui định khắt khe này mà Hàn Quốc chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành một cường quốc khoa học. Về số lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế, Hàn Quốc đã có một bước nhảy vọt chẳng kém gì China. Năm 1990, tổng số bài báo khoa học từ Hàn Quốc trên các tập san khoa học quốc tế chỉ 1,382 bài (tức xấp xỉ con số của Việt Nam hiện nay). Vậy mà đến năm 2008, con số này đã là 26,690 bài, tức tăng 20 lần trong vòng chưa đầy 20 năm!
Nhìn người lại nghĩ đến ta
Tôi nghĩ câu chuyện về đào tạo tiến sĩ ở Hàn Quốc rất liên quan với tình hình ở Việt Nam. Có thể nói ngắn gọn rằng chương trình đào tạo tiến sĩ ở VN (tôi chỉ nói lĩnh vực y học, nhưng có lẽ cũng áp dụng cho nhiều ngành khác) hiện nay chưa đạt chuẩn mực quốc tế về học vị này. Mục tiêu chính của chương trình tiến sĩ là đào tạo ra những nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientists). Điều này đòi hỏi cách thức đào tạo phải tập trung, tức nghiên cứu sinh phải tập trung toàn thời gian cho việc nghiên cứu và học hành. Dĩ nhiên, cũng có thể đào tạo theo mô hình bán thời gian (vừa học vừa làm), nhưng thời gian đào tạo phải 6 năm trở lên. Còn ở VN thì mô hình đào tạo chẳng giống ai và không tập trung. Nghiên cứu sinh vẫn tại chức và việc nghiên cứu của họ không được thầy cô giám sát chặt chẽ. Có thể nói không ngoa rằng phần lớn nghiên cứu sinh chỉ “tự bơi”, và người thầy hướng dẫn chỉ có tên trên giấy chứ trong thực tế thì chẳng có vai trò gì quan trọng. Lại có trường hợp người ta “nhét” một thầy cô nào đó mà hội đồng nghĩ rằng luận án này cần phải có chuyên môn của thầy cô đó, thật chẳng ra thể thống học thuật gì cả!
Vấn đề đầu ra trong đào tạo cũng đáng bàn ở đây. Ở nhiều nước tiên tiến và đang phát triển, kể cả Thái Lan và Mã Lai, đầu ra của chương trình đào tạo là những bài báo công bố trên các tập san quốc tế. Ở Thái Lan, họ đòi hỏi nghiên cứu sinh phải có ít nhất 2 bài trước khi bảo về luận án. Còn ở các nước Bắc Âu thì thông thường là 3-4 bài, và những bài này được đưa vào luận án trong phần kết quả nghiên cứu. Nhưng ở VN, chương trình đào tạo tiến sĩ chưa có những đòi hỏi về đầu ra gắt gao như ở nước ngoài. Do đó, việc học của họ rất … thoải mái. Có nơi lại còn có qui định trái chiều rằng nghiên cứu sinh không được công bố bài báo khoa học trước khi bảo vệ luận án! Với tiêu chuẩn đào tạo như thế, làm sao người tốt nghiệp có thể cạnh tranh với các đồng môn ở nước ngoài. Học vị tiến sĩ của VN có lẽ chỉ để VN sử dụng là chính.
Trong thời gian hơn 10 năm qua, tôi đã nhiều lần lên tiếng và góp ý về chương trình đào tạo tiến sĩ ở VN. Trong thời gian qua tình hình cũng có vài chuyển biến, nhưng nhìn chung thì chẳng theo chiều hướng tích cực hơn. Các quan chức vẫn nói đến hội nhập quốc tế, chất lượng giáo dục đại học, năng suất khoa học còn thấp, v.v. nhưng vấn đề đào tạo tiến sĩ còn sờ sờ trước mắt mà họ không giải quyết thì nói đến những chuyện khác có lẽ chỉ phí thì giờ. Theo tôi, nên ngưng một số chương trình đào tạo tiến sĩ để rà soát lại các chương trình đào tạo. Nếu nơi nào không đáp ứng tiêu chuẩn thì nên đóng cửa, không nên luyến tiếc. Phải dẹp bỏ những qui định hành chính vô duyên để tập trung vào các tiêu chuẩn khoa học.
Nguồn: Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
Read more »

Một thoáng Hàn Quốc 6: Thăm viện bảo tàng

Một thoáng Hàn Quốc 6: Thăm viện bảo tàng 
Một trong những nơi tôi thích ghé qua mỗi khi đến một thành phố là viện bảo tàng. Viện bảo tàng là nơi lí tưởng để “khám phá” những nét văn hoá và văn minh chính của một dân tộc. Nếu được thiết kế và bày trí tốt, viện bảo tàng còn là “cửa sổ” để chúng ta nhìn xuyên qua quá khứ của một đất nước. Lần này, vì thời gian có hạn, nên tôi chỉ có thể ghé qua Viện bảo tàng hoàng gia, nằm trong khuôn viên của cung điện hoàng gia có tên là Kyung-bok. Cung điện này thật ra được xây từ cuối thế kỉ 14 (chính xác là năm 1395) nhưng nay đã được trùng tu lại nên có vẻ mới. Cung điện được xây theo mô hình “phong thuỷ” Tàu, tức nằm ngay trung tâm thành phố, phía sau là dựa vào núi, và phía trước là nhìn ra biển/sông.
Nằm trong cung điện Kyung-bok, Viện bảo tàng hoàng gia không lớn như tôi tưởng tượng, diện tích của chỉ khoảng Viện bảo tàng chiến tranh trên đường Gia Long ở Sài Gòn. Nhưng khác với Viện bảo tàng chiến tranh (là nơi chủ yếu tuyên truyền một chiều và tuyên truyền rất kém, rất thô), Viện bảo tàng hoàng gia của Hàn Quốc là một bảo tàng thật sự, vì trong đó có rất nhiều hiện vật và di chỉ để khách có thể biết một chút về đời sống của các vua chúa và cung tần mĩ nữ ngày xưa ở Hàn Quốc. Không như cách bày trí thô sơ và nhếch nhác của Viện bảo tàng chiến tranh ở Sài Gòn, Viện bảo tàng hoàng gia được thiết kế cực kì công phu, kết hợp công nghệ truyền thống và tiện nghi điện tử hiện đại. Không phải như trò làm tiền ở Viện bảo tàng chiến tranh của Việt Nam, ở đây ngay tại Viện bảo tàng hoàng gia tất cả các khách đều không trả một xu để tham quan trong điều kiện máy lạnh mát người. Khách tham quan có thể dành cả nửa ngày để đi tham quan và xem phim lịch sử mà không thấy chán. Nói chung, tôi có ấn tượng rất tốt về Viện bảo tàng hoàng gia của Hàn Quốc.
Viện bảo tàng hoàng gia chỉ chủ yếu lưu trữ những di chỉ và hiện vật thời Joseon (triều đại phong kiến cuối cùng của Hàn Quốc). Phần lớn những hiện vật tôi xem qua thuộc vào thế kỉ 18 và 19, một số là đầu thế kỉ 20. Chẳng hạn như hai chiếc xe hơi do Anh và Mĩ tặng được sản xuất thủ công từ đầu thế kỉ 20. Viện bảo tàng còn có phim dựng lại trận thuỷ chiến lừng danh chống Nhật dưới sự chỉ huy của Đô đốc Yi Sun-sin. Ông sống vào thế kỉ 16, và định mệnh đưa dẫn ông trở thành một tướng thống lĩnh hải quân chống sự xâm lược của Nhật. Ông sáng chế ra một loại chiến thuyền làm bằng sắt có tên là Thuyền Rùa (tiếng Hàn là Geobukseon, vì có hình dạng con rùa). Đội chiến thuyền này làm quân Nhật khiếp vía một thời gian, và tên của ông là một ác mộng với quân Nhật. Nhưng trong một trận hải chiến, ông bị trúng tên của quân Nhật và chết trên thuyền. Vị Đô đốc này là một anh hùng dân tộc, tượng của ông còn lớn hơn và dựng trước tượng của vua! Đô đốc Yi Sun-sin có thể ví ngang hàng với Trần Hưng Đạo của ta, nhưng về mặt chiến công hiển hách thì tôi nghĩ ông còn kém Đức Trần Hưng Đạo một bậc. Thật ra, đọc lược sử Hàn Quốc, tôi thấy họ có ít tướng lãnh hiển hách và oai hùng như các tướng lãnh Việt Nam thời xưa. (Nhưng có lẽ tôi chưa thuộc sử Hàn, nên nhận xét này có thể không đúng.)
Xem qua những hiện vật của hoàng cung Hàn Quốc vào thế kỉ 19 tôi có thể đi đến một nhận xét: văn minh và văn hoá của họ thời đó không hơn, nếu không muốn nói là kém hơn, Việt Nam. Từ những kiệu vua, lụa và quần áo vua, chén cơm, tách trà, v.v. thiếu sự tinh tế của những vật dụng thời triều Nguyễn bên Việt Nam. Họ cũng dùng son thiếp như các vật dụng cung đình bên ta, nhưng màu sơn và chạm trổ và nét khắc trên gỗ hay trên đồ gốm không khéo như các thợ cung đình Huế. Ngay cả trống của họ cũng rất tầm thường, chứ không tinh vi như trống của ta. Nhìn qua suất ăn và những thức ăn của vua chúa họ, tôi thấy cũng kém xa sự tinh tế và phong phú của triều đình Huế.
Phía ngoài cung điện, khách có thể đi dạo một vòng những khu phố chung quanh và biết một chút về Seoul. Nói chung, đường phố Seoul dĩ nhiên là hiện đại hơn và có nhiều xe hơi Sài Gòn. Seoul cũng có nạn kẹt xe, nhưng là loại kẹt xe có trật tự chứ không hỗn loạn như ở VN. Tôi đứng một góc đường quan sát tình trạng kẹt xe, nhưng không thấy những lạn lách lên lề đường hay bất chấp luật pháp như ở VN. Điều này là một minh chứng cho thấy người Hàn Quốc văn minh hơn người Việt Nam.
Từ hoàng cung, chúng tôi đi bộ thẳng ra khu trung tâm thành phố Seoul. Khu trung tâm thành phố có một con suối và con sông nhân tạo. Hai bên “sông” là hàng quán. Nhưng điều làm tôi chú ý là một hàng cột được treo những tấm vải màu vàng. Hỏi ra mới biết đây là đài tưởng niệm những nạn nhân bị chết trong vụ chìm tàu 2 tháng trước. Mỗi cột là tên của một nạn nhân. Nhiều người đến đó đứng mặc niệm. Tôi nghe nói trong số nạn nhân có một bà mẹ VN và chồng Hàn Quốc dẫn theo hai con. Câu chuyện cảm động khi biết rằng tàu sắp chìm, cha mẹ và người con trai quăng phao cho đứa em gái 5 tuổi, và cuối cùng gia đình chỉ có đứa con gái 5 tuổi còn sống sót. Phải công nhận người Hàn Quốc rất nhân văn, họ trân trọng mạng sống của đồng hương. Còn ở VN thì dù có vài chục người dân chết trong bão lụt, chẳng có lãnh đạo nào lên tiếng, vài nơi còn thản nhiên tổ chức ca nhạc ăn uống vui chơi, thật là vô cảm.
Nhưng qua đi dạo một vòng chung quanh hoàng cung, tôi mới nhận ra khu tôi ở là khu hiện đại theo phong cách Tây, nhưng chung quanh đây mới chính là “cái hồn” của Seoul. Cái hồn của Soeul cũng mang màu sắc Đông phương như VN ta. Có thể nói cái hồn của Seoul chẳng khá hơn, nếu không muốn nói là kém hơn, Sài Gòn. Seoul cũng có những con đường nhỏ và cũ và những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo. Có khác chăng là đường phố và hẻm của Seoul sạch sẽ hơn đường phố và hẻm Sài Gòn.
Những quán ăn bình dân của họ cũng bình dân như ở Sài Gòn. Chúng tôi ghé vào một quán ăn có thể xem là bình dân. Thật ra, chung quanh hoàng cung có rất nhiều quán trong hẻm có lẽ phục vụ du khách, nhưng chúng tôi chẳng biết tìm quán nào vì không phải là dân địa phương. Tôi quyết định chọn quán theo … đám đông. Hễ quán nào có nhiều thực khách là tôi mon men đến xem họ có món gì. Cuối cùng chúng tôi chọn một quán có vẻ dân dã truyền thống chuyên món cá nướng. Cả ông bà chủ và người bồi bàn đều không biết tiếng Anh, nên chúng tôi chỉ biết dùng tay chỉ vào hình. Nhưng người bồi bàn rất tốt, chỉ rằng món cá này phải đi với món kia, còn cá nọ phải đi với món đó, v.v. Trong khi chờ nấu nướng, người bồi bàn đem ra một loạt đĩa nhỏ, nào là kim chi, đậu đen, đậu đỏ, cải muối, v.v. Tôi đang phân vân chưa biết làm gì với mấy món này thì em nghiên cứu sinh đi kèm cho biết đây là những món “ăn chơi”, nhà hàng không tính tiền! Ui chao, sao họ tử tế thế. Tôi vốn thích kim chi, nên chỉ vài phút tôi thanh toán hết đĩa kim chi vì quá ngon. Người bồi bàn hỏi muốn thêm kim chi nữa không, dĩ nhiên tôi gật đầu. Cô ấy quay đi và nói gì đó với người thực khách bàn bên cạnh, và người bạn thực khách Hàn Quốc bên cạnh dịch lại cho tôi bằng tiếng Anh ngập ngừng rằng “cô ấy nói ông ấy mê kim chi rồi. Ông muốn bao nhiêu cũng có”. Kim chi ở đây làm theo công nghệ truyền thống, tức cải trồng ở vùng có thổ nhưỡng đặc biệt, cải để chua tự nhiên và phải chôn dưới đất cả mấy tháng mới lấy lên ăn. Chúng tôi có một bữa ăn tuyệt vời, và giá chỉ 30 USD cho 4 người ăn.
Khi trời gần vào tối, chúng tôi đi dạo một vòng khu chợ đêm ở Seoul. Đây cũng là một địa chỉ của du khách khắp nơi. Khu chợ này cũng chẳng khác gì chợ đêm ở chợ Bến Thành, bán đủ thứ thượng vàng hạ cám và rất nhiều thức ăn. Nhưng khác với VN nơi mà chợ bán phần lớn hàng hoá có xuất xứ Tàu, ở đây khu chợ đêm Seoul đa số bán hàng của Hàn Quốc, rất hiếm thấy hàng hoá của Tàu. Có lẽ dân Hàn Quốc ý thức được rằng du khách đến đây là tìm đồ của Hàn Quốc chứ không phải loại đồ dỏm của Tàu cộng, nhưng cũng có thể họ có tinh thần tự trọng quốc gia cao hơn người tiểu thương VN. Chúng tôi đi một vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, uống nước mía, nước ép trái cây, và mua vài món đồ làm kỉ niệm. Tôi thích khu chợ này vì không ai chặt chém, chẳng ai chèo kéo khách hàng, dù rất ít người biết tiếng Anh và khách thì chẳng ai biết tiếng Hàn Quốc. Hôm đó, buổi chiều nhiệt độ khoảng 20 độ C, nên chúng tôi có một đêm rất thoải mái.
(Loạt bài kí sự đến đây là hết. Tôi sẽ chỉnh sửa và công bố trên trang web cá nhân tại www.nguyenvantuan.org).
Nguồn: Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
Read more »

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Một thoáng Hàn Quốc 2: Phong cách Tây

Một thoáng Hàn Quốc 2: Phong cách Tây
Một thoáng Hàn Quốc 1: Phi trường và hải quan
Tôi nghĩ có thể nhìn qua phong cách tổ chức hội nghị khoa học là có thể đoán được một chút về sự trưởng thành của một nền khoa học. Ở những nước kém phát triển, hội nghị là một dịp để phô trương thanh thế cá nhân và văn nghệ hoá. Nhưng ở những nước đã phát triển (hay tôi thường gọi là “trưởng thành”), hội nghị khoa học là một dịp để phô trương sự tiến bộ khoa học của nước đó.
Những hội nghị ở các nước kém phát triển thường được khai mạc bằng những màn trình diễn văn nghệ và diễn văn của khá nhiều quan chức. Ở Nam Dương, Hội nghị được khai mạc bằng một màn trình diễn văn nghệ truyền thống, sau đó đến diễn văn của một quan chức cấp cao, rồi diễn văn của 2-3 quan chức trong chuyên ngành và hội. Ở VN cũng thế, hội nghị lớn nào cũng được khai mạc bằng văn nghệ và hàng loạt diễn văn. Có người (ở VN) còn khoe với tôi rằng kỉ yếu hội nghị dày vài trăm trang là một thước đo về sự thành công của hội nghị!
Còn ở các nước có nền khoa học trưởng thành họ không quan tâm đến hình thức mà là tính chuyên nghiệp và tính khoa học. Trong các hội nghị ở Nhật, Mĩ, Âu châu, Úc châu, v.v. chẳng có ai khai mạc bằng biểu diễn văn nghệ cả. Cũng chẳng có ông bà bộ trưởng hay thứ trưởng nào rảnh rổi để đọc diễn văn khai mạc. Có hội nghị (như ASBMR bên Mĩ) chẳng có diễn văn nào cả, đến giờ khai mạc là chủ toạ lên bàn và tuyên bố bắt đầu phiên họp đầu tiên, và cứ thế mà tiếp tục cho đến ngày cuối cùng. Không màu mè, không hình thức, không phô trương cá nhân; tất cả vì khoa học. Bởi vậy, tôi nghĩ có thể nhìn qua diễn biến của hội nghị là chúng ta có thể đoán được một chút về trình độ khoa học của một quốc gia.
Đây là lần đầu tiên tôi đến dự hội nghị loãng xương vùng Châu Á Thái Bình Dương do Hàn Quốc đứng ra tổ chức, vì lần trước tôi không thể nhận lời do bận với việc … xin tài trợ. Tôi có ấn tượng tốt với phong cách tổ chức rất Tây của ban tổ chức. Không có những bài diễn văn dài dòng, cũng chẳng có những quan chức hay “đại diện” đến phát biểu như thường thấy trong các hội nghị ở VN; thay vào đó là hai phát biểu khai mạc của trưởng ban tổ chức và chủ tịch Hội loãng xương Hàn Quốc không đầy 5 phút. Thế là hội nghị bắt đầu. Đây chính là phong cách làm việc mà hầu hết các hội nghị khoa học ở các nước phương Tây và Mĩ. Tôi ước gì VN một ngày nào đó sớm áp dụng phong cách này để thay cho những hình thức rườm rà, màu mè và chính trị hoá một cách hoàn toàn không cần thiết.
Một khía cạnh khác tôi có ấn tượng tốt về ban tổ chức là đúng giờ. Giữ đúng giờ trong hội nghị là một ác mộng với ban tổ chức, vì một số diễn giả có lẽ vì quá nhiệt tình và hào hứng muốn chia sẻ dữ liệu, nên họ nói quá giờ. Số này không nhiều, nhưng vẫn có thể làm “cháy” giờ cho hội nghị và khổ tâm cho ban tổ chức. Trong tình huống như thế những người chủ toạ giỏi thì sẽ kiểm soát được tình hình bằng cách cắt ngang bài nói chuyện sau 1-2 lần cảnh báo, nhưng chủ toạ yếu thì xem như … thua.
Trong hội nghị này, ban tổ chức có gắn một cái đồng hồ ngay trên bục giảng nên diễn giả biết rõ ràng mình còn bao nhiêu phút. Tuy phần lớn đều giữ đúng giờ, nhưng cũng có vài diễn giả nói quá giờ vài phút. Bất cứ ai nói quá giờ, chủ toạ cắt phần hỏi và trả lời. Cắt phần vấn đáp coi như là một hình thức trừng phạt. Có một trường hợp một diễn giả là khách mời nói quá giờ qui định gần 10 phút, và chủ toạ cắt ngang bài nói chuyện! Ai cũng ngạc nhiên, nhưng ông diễn giả nổi tiếng này chẳng phàn nàn gì cả, mà còn cám ơn vì đã bị cắt! Tôi rất thích phong cách dứt khoát này.
Nói đến chuyện diễn giả nói quá giờ làm tôi nhớ đến một trường hợp hi hữu trong một hội nghị ở VN vào năm ngoái. Trong hội nghị đó, có một diễn giả là phó giáo sư gì đó, ông nói một cách ê a về những điều sơ đẳng quá giờ gần 20 phút. Sơ đẳng đến nỗi người ngồi bên cạnh tôi phải bực mình … chửi thề! Điều kinh ngạc (hay kinh tởm?) hơn là khi có người trong ban tổ chức lên đưa cho vị diễn giả này một tờ giấy nhắc nhở quá giờ, vị này thản nhiên nói trước hội trường là “Tôi không quan tâm”. (Lúc đó thì chắc chẳng có mấy người trong hội trường hiểu câu nói này). Còn vị chủ toạ thì không cắt được. Cuối cùng sau khi xong bài nói chuyện, vị này xách cặp đi khỏi hội trường, chẳng có một câu từ giã! Trong đời, tôi chưa bao giờ thấy một người nào hợm hĩnh và mất lịch sự như thế. Dĩ nhiên, một diễn giả như thế là thuộc vào nhóm “rare species” nên chắc chắn không có mặt trong các hội nghị quốc tế ở các nước văn minh được.
(Còn tiếp …)
Nguồn: Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn 
Read more »

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Một thoáng Hàn Quốc 1: Phi trường và hải quan

Đây là loạt bài nói về Hàn Quốc của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn người Úc gốc Việt có chuyến công tác tại Hàn Quốc ghi lại, xin mời quý vị đọc.
Một thoáng Hàn Quốc 1: Phi trường và hải quan
Đúng là “một thoáng”, bởi vì thời gian tôi lưu lại ở Hàn Quốc chỉ có 3 ngày. Thật ra, nói đúng hơn là ở Seoul, chứ không phải Hàn Quốc. Đây là lần đầu tôi đến xứ sở của Kim Chi, nên cái gì cũng mới đối với tôi. Chính vì mới nên tôi phải ghi chép lại những cảm nhận của mình. Một trong những điểm tôi hay chú ý đến là cách tổ chức ở phi trường và thái độ của nhân viên hải quan, vì tôi nghĩ qua đó mà có thể biết được chút ít về mức độ văn của một quốc gia.
Dịp đến Hàn Quốc chỉ có thể qua một hội nghị. Trong giới khoa học, hội nghị vừa là một cơ hội quảng bá (nhiệm vụ) và cũng là dịp du ngoạn (đặc quyền, đặc lợi). Lần này tôi đi phó hội trong một hội nghị loãng xương châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Bone and Mineral Research - APBMR) lần này được tổ chức ở Seoul. Là một invited speaker của hội nghị quốc tế, tôi hưởng tất cả những đặc quyền của một khách mời, và qua đó mới thấy tính hiếu khách của người Hàn Quốc. Tính hiếu khách thể hiện ngay từ lúc đáp xuống phi trường cho đến về khách sạn, đi lại trong hội nghị, và cho đến lúc tôi lên máy bay về nước. Tất cả đều được lo lắng (hay nói đúng hơn là “chăm sóc”) một cách chu đáo. Tôi đã từng là khách mời của rất nhiều hội nghị quốc tế, nhưng chưa hội nghị nào chăm sóc khách mời quá tốt như APBMR. Thật tình, tôi không tìm ra một thiếu sót nào để phàn nàn.
Chỉ 3 ngày ở Seoul mà tôi không ngớt ngạc nhiên về sự phát triển và tiên tiến của đất nước này. Sự tiên tiến có thể nhìn thấy ngay từ lúc bước xuống phi trường Incheon. Đó là một phi trường quốc tế rất lớn và rộng, có lẽ rộng gấp 5 lần phi trường Sydney. Chỉ cần nhìn đường băng cũng đủ biết đây là một phi trường hiện đại, đẳng cấp cao hơn hẳn những phi trường kiểu như Tân Sơn Nhất. Khi tôi nói “hiện đại”, tôi muốn chỉ muốn nói đến những trang thiết bị trong đó, mà còn nói đến những luống cỏ xanh tươi và tươm tất, những chiếc máy bay đậu bến cực kì thẳng tấp, không thấy những xe cộ đậu linh tinh hay những xe chuyên dụng đậu mà nhìn từ xa có vẻ mất trật tự như ở Tân Sơn Nhất. Nhìn toàn cảnh phi trường Incheon quả thật rất ấn tượng, rất Mĩ. Nhưng không chỉ là sự lớn rộng, mà quan trọng hơn là phẩm chất trong phục vụ hành khách. Người đón tôi ở phi trường Incheon cho biết phi trường này được bầu là phi trường số 1 về sự hữu hiệu trong phục vụ hành khách trong suốt 9 năm liền. Nghe qua đã ấn tượng!
Không biết họ phục vụ các hãng hàng không ra sao, nhưng với hành khách thì tôi có thể nói nhân viên của phi trường Incheon có lẽ là thuộc vào hàng số 1 trên thế giới. Khách mới xuống máy bay đã được nhân viên hướng dẫn đến nơi thích hợp (có khu dành cho người Hàn Quốc, và khu dành cho khách ngoại quốc). Nhân viên di trú làm việc cực kì nhanh. Tất cả các thủ tục chụp hình, lấy vân tay điện tử, và kiểm tra giấy tờ tốn không đầy 1 phút! Thử so sánh với thời gian làm thủ tục cho khách ở phi trường Tân Sơn Nhất thì chúng ta sẽ thấy sự văn minh của phi trường Incheon ra sao.
Tính văn minh từ cách ăn mặc. Nhân viên di trú ở Incheon mặc đồ đồng phục dân sự, và có vẻ business, nên nhìn họ đã toát lên sự thân thiện. Không hiểu sao tôi hơi dị ứng với màu áo quân sự ở phi trường như màu áo của các nhân viên di trú ở các phi trường Việt Nam và Ả Rập. Hình như ở các nước kém phát triển người ta thích khoe màu áo quân sự (?) Loại đồng phục bán quân sự kèm theo cái “lon” màu đỏ trên vai này làm cho khách thấy có cái gì đó gờn gợn, hiểm nguy, không khí chiến tranh, và tất cả toát lên cái khung cảnh kém thân thiện. Còn ở đây, tại phi trường Incheon này, tôi chẳng thấy cái màu quân sự đó ở đâu cả, và vì thế tôi cảm thấy thoải mái.
Điều quan trọng là nhân viên hải quan và di trú ở đây (Incheon) rất thân thiện với khách. Chuyến bay từ Sài Gòn sang đây có khá nhiều hành khách Việt Nam, mà nhìn qua là tôi có thể đoán được rằng họ là đồng hương đi lao động ở Hàn Quốc hay đi thăm con cháu. Có người còn đem theo cái giỏ làm bằng cao su, có lỗ vuông, loại giỏ mà các bà nội trợ ở miền Tây hay dùng để đi chợ. Hôm đó, tôi thấy một người đồng hương xách cái giỏ đó lỉnh kỉnh những mền và gối lên máy bay làm tôi bồi hồi nhớ lại Má tôi ngày xưa cũng từng xách cái giỏ này đi chợ. Không ngờ cái giỏ này bây giờ theo máy bay sang tận xứ Hàn Quốc này. Những đồng hương này, phần lớn là dân miền Tây (tôi đoán thế qua giọng nói), chẳng biết một chữ tiếng Anh. Họ nhìn chung quanh để tìm đồng hương giúp đỡ, còn tôi thì biết họ cần nhưng vẫn giả bộ đứng nhìn như chẳng biết gì, nhưng tôi theo dõi kĩ, để phòng khi họ bị lúng túng hay bị làm khó là sẵn sàng nhảy vào can thiệp.
Nhưng nhân viên di trú ở đây quá lịch sự, chẳng có một lời lớn tiếng nào với những đồng hương nghèo khó của tôi. Một anh kia chắc là nông dân, khi nhân viên bảo lấy vân tay, anh ta ngơ ngác chẳng biết gì cả, nhưng nhìn thấy nhân viên lấy hai ngón trỏ làm ví dụ, thì anh làm được ngay. Tôi chứng kiến tính thân thiện của nhân viên di trú ở đây với những đồng hương Việt Nam như thế nào, và phải nói là cảm phục. Họ không hề có bất cứ thái độ nào tỏ ra xem thường khách. Cũng có thể tôi là người may mắn, nhưng tôi không nghĩ vậy, vì tôi đã đứng xếp hàng khoảng 5 phút và quan sát tất cả thái độ nhã nhặn và hành vi tế nhị của họ đối với những người Việt Nam kém hiểu biết về thủ tục hải quan. Là người đến từ Sydney (nơi mà nhân viên hải quan được xem là khó tính nhất, kì thị nhất, và có lẽ là thô tục nhất nhì thế giới – có thể tương đương với VN), tôi không thể không ca ngợi tính văn minh của nhân viên di trú và hải quan ở phi trường Incheon.

(Còn tiếp …)
Nguồn: Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
Read more »

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Mạng đường bay của Jetstar Pacific

Mạng đường bay của Jetstar Pacific
Hình ảnh về Mạng đường bay của hãng hàng không quốc gia Jetstar Pacific trên toàn Việt Nam và Thế Giới.
Mạng đường bay Nội địa
Mạng đường bay Nội địa Jetstar Pacific

Mạng đường bay Quốc tế.
Mạng đường bay Quốc tế Jetstar Pacific


Read more »

Author

Write admin description here..

Subscribe to our Mailing List

We'll never share your Email address.
+84-8-36028790 info@dongduongtourist.com